Sau một thời gian dài trầm lắng và giảm giá liên tục, thị trường phân bón thế giới bước vào năm mới 2017 với những biến động mạnh mẽ. trong đó phải kể đến sự tăng giá thẳng đứng đối với mặt hàng urea và dap. Giá urea tăng mạnh trên toàn thế giới, các nhà sản xuất dự báo tình hình sẽ tiếp tục tăng trong quý I.
Nông dân sẽ chịu tác động chính khi giá phân bón có biến động mạnh
Thị trường Urea
Sự căng thẳng trong nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Các nhà máy Trung Quốc duy trì việc cắt giảm sản lượng và chỉ hoạt động với trung bình 50% công suất, không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đồng thời khiến cho lượng hàng xuất khẩu bị giới hạn và giá cao mặc dù chính phủ Trung Quốc vừa cắt giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng này. Các bản chào hạt đục tăng đến 255 - 265 USD/tấn FOB và hạt trong ở mức trên 250 USD/tấn FOB.
Thậm chí, Lingu được biết đã bán 2 lô 30.000 tấn hạt đục với mức giá 266 USD/tấn FOB và Fudao cũng được báo cáo bán 1 lô 30.000 tấn hạt đục giao hàng cuối tháng 1/đầu tháng 2 tại mức giá 270 USD/tấn.
Trong khi đó, do vấn đề vận chuyển nên chỉ khoảng 80% lượng hàng sản xuất tại Nội Mông và Tân Cương được đưa đi khiến cho lượng hàng tồn kho lên đến 400.000 tấn. Một vài lô hàng hạt trong được chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam để đáp ứng nhu cầu cho vụ xuân. Do đó, Trung Quốc sẽ không phải là nước xuất khẩu Urea chính trong quý I năm 2017.
Các nhà sản xuất khu vực Vịnh Ba Tư (AG) cũng không có một lô hàng giao ngay nào cho tháng 1 và lô hàng đầu tiên của tháng 2 được bán với giá 265 USD/tấn FOB. Tương tự, Malaysia và Indonesia không có hàng cho tháng 1, và phải chờ ít nhất cho tới đầu tháng 2. Sự căng thẳng nguồn cung tại châu Á khiến cho các nhà buôn, nhà nhập khẩu phải mua với giá cao cho những lô hàng sẵn có.
Tại châu Âu, Ukraine từ một nước xuất khẩu Urea đã buộc phải xem xét để nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác, khiến cho nguồn cung thiếu hụt trầm trọng. Thổ Nhĩ Kỳ được biết là khách hàng mua Urea lớn nhất của Ukraine đã phải bù đắp bằng hàng của Iran. Tình hình trên dường như sẽ không thay đổi cho đến tháng 3/2017. Với giá chào hiện nay cho các lô hàng nhập khẩu về Việt Nam sau Tết, giá Urea nội địa có khả năng chạm và vượt qua mức 7.000 đồng/kg nếu chính sách thuế 6% không được gỡ bỏ kịp thời.
Thị trường DAP
Việc xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với mặt hàng DAP của chính phủ Trung Quốc có hiệu lực từ 1/1/2017 dường như không có tác động lên việc giảm giá. Các nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục nâng giá cho các bản chào từ 330 USD/tấn FOB lên 380 USD/tấn FOB cho quý 1, và dự báo giá còn tăng cao hơn nữa.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá này là do sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Các nhà máy tại Trung Quốc đang hoạt động chỉ với khoảng 60 - 70% công suất; trong đó YUC được báo cáo hoạt động dưới 35% công suất và có kế hoạch tiếp tục cắt giảm, Kalin hoạt động ở mức 50% công suất. Trong hai tháng tới, một vài dự đoán cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc không cần xuất khẩu hoặc chỉ cần xuất khẩu rất ít do nhu cầu mạnh mẽ cho vụ xuân của thị trường nội địa.
Tình hình của Trung Quốc sẽ không thay đổi trong một vài tuần tới, do đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất ở Trung Đông, Mỹ, Nga… cung cấp hàng cho quý I. Sự ảnh hưởng này được thấy rõ nhất tại Pakistan, giá bán hàng DAP của Saudi đã cao hơn rất nhiều so với tháng 11 và tháng 12/2016.
Nhìn chung, theo đánh giá của Vinacam, thị trường sẽ tiếp tục giữ đã tăng trong quý I/2017. Với giá chào hiện nay, bình quân giá vốn DAP nhập khẩu về Việt Nam trong nửa cuối tháng 2/2017 đã phản ánh ở mức 9.500 - 10.000 đồng/kg. Không chỉ Urea và DAP, các mặt hàng phân bón chủ lực khác như Kali trong nước chưa sản xuất được cũng đang rục rịch đòi tăng giá từ 20 - 25 USD/tấn cho các lô hàng xếp tháng 2/2017.
Bên cạnh sự tăng giá trên thị trường thế giới do khan hiếm nguồn cung, tại thị trường trong nước, cuối tháng 12/2016, Tập đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam (Vinacomin) đã bất ngờ thông báo tăng giá bán than từ 1/1/2017. Trong đó, than cục tăng 300.000 đồng/tấn, than cám tăng 10%. Giá than tăng sẽ tác động lớn tới chi phí sản xuất, dẫn đến làm tăng giá thành sản phẩm của các nhà máy phân bón trong nước.
Như vậy, dưới áp lực của giá thế giới, của tỷ giá ngoại tệ và giá xăng dầu làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá cước vận tải, giá phân bón thị trường nội địa chắc chắn sẽ tăng mạnh từ tháng 2/2017. Đây thật sự là một tin không vui cho người nông dân, nhất là tại thời điểm này họ đang phải gồng mình khắc phục hậu quả thiên tai mới xảy ra.
Theo Vũ Duy Hải
Nông nghiệp Việt Nam